Đọc điện tâm đồ dễ hơn. Biên soạn bởi: BS. Nguyễn Tôn Kinh Thi
Điện tâm đồ là một cận lâm sàng khó nhưng lại thường được sử dụng trong lâm sàng. Nó đóng vai trò lớn trong chẩn đoán, quyết định phương pháp điều trị và theo dõi nhiều bệnh, không chỉ riêng tim mạch. Trong khi, tại các nước phát triển, điện tâm đồ được đào tạo cho cả khối điều dưỡng thì hiện nay tại Việt Nam, điện tâm đồ chưa được giảng dạy chính thức trong các lớp đại học y khoa mà chỉ được tổ chức học theo chuyên đề dành cho bác sĩ. Qua khảo sát sơ bộ, hơn 50% bác sĩ đa khoa tại Việt Nam không đọc được điện tâm đồ. Nhu cầu đọc điện tâm đồ là một điều bức thiết không chỉ với bác sĩ mà cả với điều dưỡng, thậm chí kể cả y sĩ. Trên thị trường, đã có một số sách hướng dẫn đọc điện tim. Phổ biến nhất có thể nói là sách của GS.TS. Trần Đỗ Trinh, GS.TS. Phạm Nguyễn Vinh… Trên mạng internet, có rất nhiều tài liệu về đọc điện tâm đồ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Là một bác sĩ đa khoa, tôi muốn chia sẻ những ghi chép lại của mình ngắn gọn, đơn giản, dễ ứng dụng trong lâm sàng. Cách trình bày này không mới nhưng với sự đặc biệt chú trọng về hình ảnh minh họa rõ ràng, có màu sắc chắc hẳn sẽ giúp một số người, từ y sinh đến điều dưỡng, cũng giống tôi, dễ tiếp cận với điện tâm đồ hơn và cũng nhớ hơn. Kinh nghiệm bản thân khi tiếp cận điện tâm đồ tôi cũng xin trình bày đây để các bạn tham khảo. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn tiếp cận dễ dàng hơn với điện tâm đồ.
Để đọc tốt, các bạn phải thường xuyên thực hành qua sách thực hành đọc điện tâm đồ như cuốn Bài tập điện tâm đồ (Dùng cho sinh viên Y Khoa và bác sĩ đa khoa thực hành) của tác giả M. Englert – R. Bernard (đã dịch ra tiếng Việt), 150 vấn đề về điện tâm đồ của John R.Hampton hoặc thực hành trên thực tế và nhờ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch kiểm tra. Khi đã thuần thục rồi, các bạn muốn tìm hiểu thêm về cơ chế cũng chưa muộn.