Ký Sinh Trùng Y Học – ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. PGS.TS Trần Thị Hồng
Sau hơn 20 năm hoạt động, trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nói chung, bộ môn Ký sinh – Vi nấm học nói riêng, ngày càng đổi mới, tạo được một vị trí vững vàng trong việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế. Sự phát triển này đã thúc đẩy Bộ môn biên soạn lại giáo trình giảng dạy Y2.
Trong điều kiện thuận lợi về môi trường, xã hội cũng như tập quán sinh hoạt của con người và cộng đồng, sự tương tác giữa cơ thể người với các sinh vật gây bệnh có nhiều khả năng xảy ra và dẫn đến bệnh. Cơ hội tương tác đó tăng theo khuynh hướng phát triển kinh tế – xã hội chưa đồng đều trên cả nước. Những bệnh lý ký sinh trùng liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vẫn phổ biến ở nhiều vùng trồng trọt, chăn nuôi. Sự thay đổi tập quán ăn uống tại các thành thị, sự mất cân bằng sinh thái từ nhiều nguyên nhân cũng góp phần vào ti lệ mới mắc cùa các trường hợp bệnh động vật ký sinh và các đợt dịch do động vật chân khớp gây ra. Mặt khác, nhiễm ký sinh trùng cơ hội đang song hành với sự gia tăng của các bệnh gây suy giảm miễn dịch. Vì vậy, những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các bệnh ký sinh trùng phổ biến ờ Việt Nam cần được giới thiệu cho sinh viên Y2 trong phạm vi ứng dụng – Ký sinh học Lâm sàng và Ký sinh học Dịch tễ – hơn là Ký sinh học Cơ bản, nhằm hình thành sự lưu ý của các em đến bệnh ký sinh trùng khi thực hành tại bệnh viện. Đi kèm với giáo trình này, Bộ môn đã xuất bản giáo trình thực tập với sự mô tả cụ thể hơn về cấu trúc nhận diện ký sinh trùng.
Tuy chưa có sự đột phá rõ rệt so với ấn bản cũ, nhưng việc điều chỉnh lại mục tiêu học tập, bổ sung thêm các chuyên đề tham khảo và tính ứng dụng trong nội dung bài giảng, giáo trình Ký sinh trùng Y Học – 2013 hy vọng sẽ giúp các em đạt được các mục tiêu đề ra.
Cuối cùng, chúng tôi chân thành cảm ơn các bậc Thầy, các bậc đàn anh đã mở đầu cho Giáo trình – 2013 được hình thành. Chắc chắn vẫn tồn tại nhiều thiếu sót về nội dung lẫn hình thức, rất mong được các Thầy Cô, đồng nghiệp và các em sinh viên trong và ngoài ngành Ký sinh trùng Y Học đóng góp ý kiến, xây dựng giúp hoàn thiện giáo trình hơn trong các lần tái bản.