Bệnh Học Cơ Xương Khớp Nội Khoa – Bộ Y Tế
Ngành Thấp khớp học Việt Nam được GS.TS. Trần Ngọc Ân sáng lập cho đến nay đã được 40 năm (1969– 2009) hiện đang phát triển không ngừng. Trên cơ sở kết quả các nghiên cứu dịch tễ về bệnh khớp, các công trình nghiên cứu và ứng dụng y học ở nước ta cũng như trên thế giới, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Trần Ngọc Ân, sách giáo khoa về chuyên ngành dành cho các học viên đại học, sau đại học, các bác sĩ chuyên khoa và đa khoa được cập nhật liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn nước ta.
Tần suất mắc bệnh xương khớp ở nước ta lên tới 47,6% số người trên 60 tuổi. Tại Bệnh viện Bạch Mai từ thời kỳ 1991 – 2000, số bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp chiếm tới 4,5% trong tổng số các bệnh nhân nhập viện. Nếu như trước kia, các bệnh xương khớp thường gặp nhất là viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể), thì ngày nay, loãng xương sau mãn kinh và loãng xương tuổi già, thoái hoá khớp, các bệnh xương khớp do chuyển hoá (gút, bệnh xương khớp sau chạy thận nhân tạo, tổn thương xương khớp do sử dụng corticoids…), ung thư di căn xương… cùng nhiều bệnh khác đang trở thành vấn đề thời sự của những năm gần đây.
Tuy nhiên, một số cán bộ y tế cơ sở vẫn chưa được cập nhật nhiều loại bệnh thường gặp nên chẩn đoán và điều trị không hợp lý, nhiều trường hợp đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Sách Bệnh học cơ xương khớp nội khoa do các cán bộ giảng dạy phân môn Cơ Xương Khớp thuộc Bộ môn Nội tổng hợp – Đại học Y Hà Nội biên soạn, nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản nhất, cập nhật nhất về chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp ở nước ta. Song song với phần kiến thức, các tác giả còn nêu các kinh nghiệm lâm sàng của bản thân, và minh hoạ nhiều hình ảnh với các chỉ dẫn để người đọc có thể dễ dàng áp dụng trên thực tế. Ngoài các phần bệnh học, các tác giả trình bày những định hướng chẩn đoán một số chứng bệnh thường gặp nhất trong thực hành lâm sàng các bệnh Cơ Xương Khớp và kỹ thuật tiêm một số khớp để các cán bộ y tế chuyên khoa tại các tuyến y tế cơ sở có thể thực hành đúng chỉ định, đúng kỹ thuật, đảm bảo nguyên tắc vô trùng. Bên cạnh các tiếng tên bệnh bằng tiếng Việt, ban biên soạn cung cấp các tên bệnh bằng tiếng Anh để độc giả dễ dàng tham khảo trong các sách báo nước ngoài, trên mạng điện tử. Trong phần phụ lục, ban biên soạn trình bày bảng mã bệnh theo ICD 10 theo các chương và theo trình tự alphabet để người đọc tham khảo.